Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Điểm dừng chân cho những người mê phim thủy hử

Ít người biết rằng những chiếc nón của làng Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội được ra đời từ đam mê nhân vật Lâm Xung (phim Thủy Hử) của một người dân trong làng.



Cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km, ở phía bên kia quốc lộ 21B là con đường nhỏ dẫn vào làng Tri Lễ chuyên làm mũ nón lá, đặc biệt là loại mũ Lâm Xung.



Xã Tân Ước gồm bốn thôn là Ước Lễ, Tri Lễ, Phúc Thụy và Quế Sơn, trong đó thôn Tri Lễ là chuyên về làm nón. Nghề làm mũ nón Tri Lễ đã có hàng thế kỷ trước, với đặc điểm làm hoàn toàn bằng thủ công.



Trước đây, thôn Tri Lễ chỉ sản xuất các loại mũ lá và nón lá thông thường. Cách đây hơn 10 năm, trong làng có ông Nghiêm Phú Đáo do mê phim Thủy Hử của Trung Quốc, thấy nhân vật Lâm Xung hay đội chiếc mũ lá trông hay hay nên về nhà bắt chước làm thử, mũ làm xong đem ra chợ bán ai cũng thích bởi những ưu điểm trong sử dụng.



Cũng từ đó, cái tên mũ lá Lâm Xung ra đời, trở thành thương hiệu của làng nón Tri Lễ. Ngày nay, đến với Tri Lễ, từ đầu đến cuối làng, nơi nào cũng thấy phơi lá cọ tươi, nguyên liệu chính để làm nón, khiến khung cảnh làng quê thêm phần sống động, trù phú.



Nón lá Lâm Xung cũng có một vòng khuôn, trên nhỏ dưới mở to, vành rộng, giữa là khoanh eo thắt lại. Tùy theo kích cỡ mà nón có số vòng khác nhau từ 9 đến 14 vòng. Gọn nhẹ, sạch sẽ nên tất cả các công đoạn làm nón như chẻ nan, tạo vòng, vào khuôn đều có thể tranh thủ làm ở mọi lúc, mọi chỗ.


Trong tất cả các công đoạn để làm nên chiếc nón thì phơi lá là khâu quan trọng và chiếm mất nhiều thời gian nhất. Vào những tháng mùa đông, thời gian phơi trung bình mất khoảng 15 ngày, còn nếu vào mùa hè, chỉ cần phơi 3 nắng là có nguyên liệu cho sản xuất.



Kỹ thuật phơi, cường độ nắng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm bởi nắng to, lá có màu lam trắng rất đẹp, dùng làm mũ Lâm Xung loại to, bán cho các hộ thu gom hàng xuất khẩu sang Irắc, Nhật Bản, Trung Quốc, thu nhập cũng tạm ổn. Còn thiếu nắng thì màu lá thâm, xấu, chỉ có thể làm mũ lá kiểu ngày xưa, hiệu quả kinh tế không được tốt.



Trước đây, nguyên liệu mua về rất khó khăn nên người dân trong làng phải lên tận vùng núi mua từng bó lá cọ về làm dần. Nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu được thu mua ở Tuyên Quang, Thái Nguyên nên luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu dự trữ cho sản xuất.



Mũ nón ở Tri Lễ cũng khá đa dạng, bên cạnh mũ Lâm Xung, bạn còn thấy ở đây các loại nón quai thao, Xuân Kiều, nón mẹt truyền thống…



Hiện 90% số hộ dân ở Tri Lễ tham gia làm nón. Đây là nghề phụ nhưng thu hút được cả trẻ em, người già tham gia làm trong thời gian nông nhàn nên cũng mang lại một khoản thu nhập ổn định cho người dân địa phương.



Sản phẩm nón lá thành phẩm được bán buôn với giá khoảng 12.000 đồng, trừ các khoản chi phí cho lãi khoảng 6.000 đồng. Nếu khách tham quan đến đây mua lẻ, bạn sẽ phải trả giá cao hơn khoảng vài lần.



Một ngày đến với Tri Lễ, ngoài thời gian tìm hiểu về nghề nón truyền thống của địa phương, bạn hãy dành thời gian để tham quan và tìm lại cảm giác được trở về quê hương thanh bình, tận hưởng sự khoáng đạt, trong lành của ruộng đồng, cảnh vật cùng những người dân thân thiện nơi đây.



( Vnexpress )
Mời xem các dự án thiết kế Ngôi Nhà Xinh tại nội thất đẹp 






0 nhận xét:

Đăng nhận xét